Trên Windows 10, bạn sẽ gặp tình trạng này đối với những dòng máy tính sử dụng ổ cứng HDD (5400 rmp hoặc 7200 rpm). Sở dĩ ổ cứng HDD gặp tình trạng 100% một phần là vì Windows 10 có nhiều ứng dụng dịch vụ (hơn Windows 7) truy xuất dữ liệu mà với tốc độ đọc ghi của một ổ cứng HDD sẽ không thể nào đáp ứng được cùng lúc.
Các ứng dụng dịch vụ trên Windows 10 có thể gây ra lỗi ổ cứng 100% như:
- Dịch vụ mặc định của Windows.
- Tác vụ của phần mềm, ứng dụng Desktop.
- Tác vụ ứng dụng cài đặt từ Microsoft Store.
- Thông báo (Notification).
Vậy để khắc phục thì dưới đây là một số đề xuất mà bạn có thể áp dụng.
Dịch vụ mặc định của Windows (Services)
Dịch vụ Windows được tạo ra để đáp ứng vận hành theo từng chức năng của Windows. Nhưng mỗi khi bị “Full Disk” 100% thì mình kiểm tra và thấy chủ yếu do dịch vụ DiagTrack(Connected User Expriences & Telemetry) và bạn có thể tắt tạm thời dịch vụ này trong Task manager.
Hoặc vào Services để tắt bỏ hoàn toàn dịch vụ này.
Tác vụ của phần mềm, ứng dụng Desktop.
Một số các phần mềm, ứng dụng Desktop có kèm theo tác vụ được khởi động cùng Windows. Các tác vụ này có thể sẽ thực thi:
- Kiểm tra phiên bản cập nhật.
- Khởi động trước để mở ứng dụng nhanh hơn.
- Tự động đồng bộ dữ liệu (Onedrive, Dropbox…)
Đối với các tác vụ này sẽ làm chậm thời gian lúc khởi động của Windows, bạn hoàn toàn có thể tắt nó đi. Và bạn có thể tắt nó trong Tab Startup của Task Manager bằng cách chuyển về trạng thái Disabled.
Tác vụ ứng dụng cài đặt từ Microsoft Store.
Là các ứng dụng tải và cài đặt thông qua cửa hàng ứng dụng Microsoft Store. Mặc định, các ứng dụng này đều có thể tự động chạy ngầm và có thể:
- Tự động đồng bộ dữ liệu mới như các ứng dụng tin tức, nhắn tin…
- Tự động cập nhật phiên bản mới.
Để hạn chế bớt các ứng dụng truy xuất ổ cứng mặc dù chưa sử dụng đến, thì bạn có thể tắt bớt ứng dụng chạy ngầm và khóa tính năng tự động cập nhật ứng dụng trong Microsoft Store như sau.
- Mở Microsoft Store > Click chuột vào dấu … và chọn Settings.
- Sau đó, bạn có thể chuyển App update về chế độ Off.
Thông báo Windows 10.
Thông báo là tính năng hữu ích trên Windows 10. Nhưng không phải thông báo nào cũng hữu ích với bạn. Nếu để mặc định, bạn sẽ nhận được hàng tá thông báo từ hệ thống, ứng dụng, dịch vụ, trình duyệt… Vậy nên, bạn có thể vào Settings > System > Notification để vô hiệu hóa bớt các thông báo của hệ thống và của các ứng dụng không cần thiết.
Ngoài ra trong ứng dụng Microsoft Mail nếu sử dụng nhiều tài khoản Mail, bạn có thể vô hiệu hóa thông báo của từng tài khoản riêng.
Tắt Cortana.
Khá thú vị khi sử dụng Cortana để yêu cầu tự động thực hiện nhiều tác vụ trong Windows 10.
Mặc định, Cortana sẽ luôn ở trạng thái chờ và kích hoạt nhận diện khi bạn nói “Hey Cortana”. Nhưng hiện tại Cortana chưa hỗ trợ tiếng Việt nên nếu không cần thiết bạn có thể truy cập Settings > Cortana và chuyển trạng thái về Off ở tất cả các nút chuyển.
>> Cách này sẽ không bỏ hoàn toàn Cortana nhưng sẽ hạn chế Cortana truy xuất ổ cứng khi không cần thiết.
Gỡ bớt các ứng dụng.
Cài đặt nhiều phần mềm, ứng dụng sẽ làm cho ổ cứng của bạn phải chịu tải và mất nhiều thời gian hơn để đọc và ghi. Vậy nếu sử dụng máy tính thì cũng có khá nhiều dịch vụ trên nền tảng Web mà bạn có thể sử dụng thay vì cài đặt trên ổ cứng. Và có 2 cái lợi khi sử dụng trên nền tảng Web :
- Tiết kiệm dung lượng ổ cứng.
- Hạn chế các tác vụ kèm theo của ứng dụng.
Nhờ đó mà ổ cứng có thể ghi và truy xuất dữ liệu nhanh hơn.
Các cách giúp bạn cải thiện hiệu suất của ổ cứng.
Cách 1: Xóa bớt các tập tin không sử dụng đến.
Bài viết: 5 cách để lấy lại dung lượng ổ cứng sẽ giúp bạn thực hiện.
Cách 2: Chống phân mảnh ổ cứng.
Cũng giống sắp xếp đồ đạc trong căn phòng, càng ngăn nắp bạn càng dễ ấy đồ dùng nhanh hơn. Ổ cứng máy tính cũng vậy, khi bạn sắp xếp lại ổ cứng bằng cách chống phân mảnh thì hiệu suất của ổ cứng cũng sẽ cải thiện đáng kể.
Để thực hiện, bạn vào Start và tìm với từ khóa “Defragment” để mở công cụ Defragment & Optimize Drive. Và sau đó chọn vào từng ổ cứng và chọn Optimize. Thời gian hoàn thành có thể khá lâu, vậy bạn nên chống phân mảnh ổ cứng khi không sử dụng máy tính.
Bạn cũng có thể tắt lập lịch chống phân mảnh và thực hiện theo thứ tự là dọn dẹp các tập tin không sử dụng và sau đó mới chống phân mảnh ổ cứng. Và cũng không nên thực hiện nhiều lần, khoảng 1 tháng 1 lần là hợp lý.
Cách 3: Sử dụng chế độ Sleep, Hipernare hoặc để mặc định chế độ Fast StartUp
- Chế độ Sleep: sẽ đưa máy tính của bạn vào chế độ ngủ tạm thời. Mọi dữ liệu, tác vụ vẫn nằm trên Ram. Và chỉ mất 1 hoặc 2s để đưa máy tính hoạt động trở lại.
- Chế độ Hipernate: chế độ này Windows sẽ ngủ “sâu” hơn chế độ Sleep. Nó di chuyển tất cả các tác vụ từ Ram vào ổ cứng. Và khi khởi động lại nó sẽ truy xuất ngược từ ổ cứng lên Ram và Windows trở lại thời điểm trước khi Hibernate.
- Fast StartUp: Đây là chế độ kèm theo của Windows 10 và bạn không nên tắt nó đi. Chế độ này sẽ giúp máy tính của bạn khởi động nhanh hơn.
>> Mặc định chế độ Hibernate bị khóa và bạn có thể vào Control Panel > Power Options > System Settings và sau đó chọn Change settings… để thêm Hibernate.
Và bây giờ, bạn hãy áp dụng các cách trên và khởi động máy tính lại và kiểm tra. Nó sẽ không hoàn toàn khắc phục được Full Disk 100% nhưng thời gian sẽ gảm xuống và bạn sẽ gặp ít tình trạng đó hơn khi sử dụng so với trước khi áp dụng.
Chúc các bạn vui vẻ!